WONDER WEEK - NHỮNG TUẦN “NỔI LOẠN” CỦA CON MÀ MẸ KHÔNG NÊN BỎ QUA
Lê Ngọc Hân
Thứ Bảy,
04/03/2023
WONDER WEEK - NHỮNG TUẦN “NỔI LOẠN” CỦA CON MÀ MẸ KHÔNG NÊN BỎ QUA
Trong quá trình chăm sóc thiên thần nhỏ chắc hẳn mẹ không ít lần bối rối và bất ngờ khi con đến tuần “nổi loạn”. Tuần khủng hoảng của bé hay wonder week của trẻ thường diễn với những thay đổi về tâm lý và thể chất. Những tháng đầu đời, tốc độ phát triển về thể chất của bé rất nhanh. Từ lúc bé mới chào đời chỉ có thể nằm yên một chỗ đến khi bé biết lẫy, biết bò hay biết đi chỉ cách nhau một khoảng thời gian rất ngắn. Chính những thay đổi và phát triển về nhận thức, trí tuệ, khả năng hoạt động của bé có thể khiến bé cảm giác khó chịu vì chưa thích nghi kịp với những cảm nhận mới, khả năng mới của mình.
Tuy nhiên thực tế thời gian Wonder Week của mỗi trẻ đều ít nhiều sẽ có sự chênh lệch khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, di truyền, giới tính, sinh non,...
Mỗi Wonder week thường sẽ kéo dài khoảng 5 tuần, gồm hai giai đoạn là bão tố (stormy) và nắng đẹp (sunny).
- Giai đoạn bão tố: Là giai đoạn bé học kỹ năng mới, bắt đầu có những biểu hiện điển hình như cáu kỉnh, khó chịu, khóc lóc.
- Giai đoạn nắng đẹp: Là lúc bé hoàn thành việc học hỏi kỹ năng mới cũng như phát triển về khả năng nhận thức.
Thực tế, rất khó để xác định chính xác wonder week sẽ đến và đi khi nào, vì mỗi đứa trẻ đều có tốc độ phát triển riêng.
Wonder week 1: Trong khoảng từ 4 ½ tuần – 5 ½ tuần tuổi
Đây là tuần khủng hoảng đầu tiên, khi trẻ bắt đầu có chuyển biến về các giác quan. Mẹ sẽ thấy con bắt đầu quấy khóc, chán ăn. Tuy nhiên khi vượt qua được, bé sẽ nhìn mọi vật chăm chú hơn, có cảm giác muốn chạm vào mọi thứ, bắt đầu biết cười và nhạy cảm hơn với mùi hương.
Wonder week 2: Trong khoảng 7 ½ tuần – 9 tuần tuổi
Bé dần nhận thức các hình thù đơn giản trong không gian, ghi nhớ một số người thân thuộc và học được cách sử dụng các chi của cơ thể. Ngoài ra, con còn có khả năng quay đầu về phía âm thanh, bắt đầu khám phá, quan sát các bộ phận của cơ thể của mình và làm những âm thanh gầm gừ nhỏ.
Wonder week 3: Trong khoảng 11 ½ -12 ½ tuần tuổi
Đây là cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn của con. Sau tuần này, bé biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, cười nhiều hơn và thích nghe những âm thanh với tần số khác nhau. Nhưng mẹ nên chuẩn bị tinh thần thức đêm cùng con trong giai đoạn này nhé!
Wonder week 4: Trong khoảng 14 ½ -19 ½ tuần tuổi
Mẹ sẽ thấy thiên thần nhỏ có kỹ năng cầm nắm để bỏ tất cả đồ vật trong tầm với vào miệng, biết nhìn theo mẹ bố hoặc người thân và đẩy núm ti ra khi đã no.
Wonder week 5: Trong khoảng 22 ½ -26 ½ tuần tuổi
Con đã bắt đầu ngồi dậy và đứng lên với sự hỗ trợ. Cảm giác căng thẳng và lo lắng có thể xuất hiện vì bây giờ bé có thể nhận ra khoảng cách xa gần cũng như cảm thấy cô đơn, thiếu an toàn khi rời xa bố mẹ. Ngoài ra, thiên thần nhỏ cũng hiểu các từ có nghĩa để thực hiện theo, biết cách thổi bong bóng bằng cách phun nước bọt, tạo ra âm thanh bằng cách chuyển động lưỡi.
Wonder week 6: Trong khoảng 33 ½ -37 ½ tuần tuổi
Kỹ năng mới của bé sau giai đoạn này là có thể nhận thức và phân biệt được đặc điểm của sự vật. Bên cạnh đó, còn hiểu một số từ, bắt chước người khác, thể hiện tâm trạng của mình, muốn chơi trò chơi, đung đưa theo những bài nhạc và quan trọng nhất là bắt đầu tập bò.
Wonder week 7: Trong khoảng 41 ½ -46 ½ tuần tuổi
Tuần này là chìa khóa để bé hiểu về trình tự và các bước để làm một việc. Đây cũng là lúc con bập bẹ vài từ đơn, trả lời câu hỏi ngắn, biết chỉ vào đồ vật mình muốn cầm và rất thích chơi xếp chồng đồ vật.
Wonder week 8: Trong khoảng 50 ½ -54 ½ tuần tuổi
Sau giai đoạn cáu gắt này bé con có khả năng đi vịn hoặc có thể đi vững, thích cầm đồ vật đưa ra xa, thích vẽ, biết tự mặc hoặc cởi quần áo.
Wonder week 9: Trong khoảng 59 ½ -61 ½ tuần tuổi
Thế là bé đã hơn 1 tuổi rồi đấy! Các tuần khủng hoảng của trẻ đã đi đến những mốc cuối cùng. Bé bắt đầu biết pha trò, biết nũng nịu, biết nịnh mẹ, bắt chước biểu cảm và hành động của người lớn.
Wonder week 10: Trong khoảng 70 ½ – ½ 76 tuần tuổi
Giờ đây bé đã có thể hoàn toàn đi vững và chạy nhảy. Bé biết xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống và có thể thay đổi hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh. Tâm lý của bé dần dần phát triển sự đồng cảm và tính ích kỷ, kỹ năng ngôn ngữ dần hoàn thiện.