Ăn dặm là gì? Mấy tháng nên cho bé ăn dặm và cách cho bé ăn dặm đúng cách
Tran Anh Tan
Thứ Ba,
31/01/2023
Thời điểm 6 tháng tuổi là thời điểm vàng để thực hiện phương pháp ăn dặm, giúp bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Vậy ăn dặm là gì? Làm thế nào để cho bé ăn dặm đúng cách? Cùng chuyên mục Mẹo vào bếp tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn cho bé làm quen với các loại thực phẩm thô như: rau, thịt, cá, trái cây,... nhằm bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển toàn diện và tiến gần đến giai đoạn cai sữa.
Thời gian ăn dặm thường bắt đầu từ khi bé đủ 6 tháng tuổi và kết thúc khi bé được hơn 1 tuổi. Tuỳ vào thể chất mà mỗi bé sẽ có thời gian ăn dặm khác nhau. Do đó, bố mẹ không nên quá nóng vội mà bắt đầu hay kết thúc sớm vì sẽ làm mất đi hứng thú ăn uống và khiến bé bị tiêu chảy.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng: ăn dặm không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ trong thời gian 1 năm đầu. Vì thế, để không làm giảm sức đề kháng của trẻ, mẹ nên chú ý kết hợp cả việc ăn dặm lẫn cho con bú đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng cho con.
Theo đó, lượng sữa sẽ giảm dần theo thời gian và lượng thức ăn sẽ tăng dần theo độ tuổi.
2Mấy tháng cho bé ăn dặm?
Cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước tháng thứ 6) có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hoá. Ngược lại, ăn dặm quá trễ khiến cơ thể chậm phát triển vì thiếu dinh dưỡng.
Thời điểm tiến hành cho bé ăn dặm rất quan trọng bởi nếu chọn sai thời điểm thì sức khoẻ cũng như hệ tiêu hoá của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Theo đó, phụ huynh chỉ nên thực hiện phương pháp ăn dặm khi bé đã đủ 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển hoàn thiện, có thể tiêu thụ và hấp thu thực phẩm thô, chứa tinh bột một cách an toàn.
3Cách cho bé ăn dặm đúng cách
Nguyên tắc ngọt - mặn
Thời gian đầu mới tập ăn dặm, bố mẹ nên lựa chọn bột ăn dặm vị ngọt trước sau đó mới chuyển qua bột ăn dặm vị mặn. Bột ăn dặm vị ngọt có hương vị gần giống với sữa mẹ, giúp bé dễ dàng thích nghi hơn.
Khi bé đã quen với kết cấu đặc của bột, mẹ có thể chuyển dần sang bột vị mặn để bé làm quen thêm với mùi vị mới.
Nguyên tắc ít - nhiều
Cho bé tập ăn dặm với lượng thức ăn ít trước, sau đó tăng dần theo thời gian. Ví dụ: ngày đầu tiên mẹ cho bé ăn từ 1 - 2 muỗng bột rồi tăng từ từ lên thành 1/3 chén, 1/2 chén đến 1 chén.
Tuân thủ nguyên tắc này giúp bé dễ dàng thích nghi với kết cấu đặc của thức ăn, đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hoá và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
Nguyên tắc “tô màu chén bột”
Khi làm bột ăn dặm cho bé, mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn để bé phát triển toàn diện. Cụ thể:
Nhóm bột đường gồm có: gạo, bột mì, bún, phở, ngô, khoai…
Nhóm đạm gồm có: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành và các loại đậu khác,...
Nhóm chất béo gồm có: dầu ăn cho bé, bơ, phô mai và các loại hạt có dầu.
Nhóm vitamin và khoáng chất gồm có: rau củ và các loại trái cây tươi.
Khi chế biến, mẹ không nên cho quá nhiều muối, mắm hay bột ngọt vào thức ăn vì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ do thận phải hoạt động quá sức.
Không ép trẻ ăn
Trong quá trình ăn dặm, nếu trẻ có dấu hiệu biếng ăn, mẹ nên tạm ngưng phương pháp này trong khoảng 5 - 7 ngày rồi mới thực hiện lại.
Việc áp trẻ ăn dặm sẽ làm bé bị căng thẳng và khiến tình trạng chán ăn diễn ra nhiều hơn.
4Các giai đoạn ăn dặm của bé
Giai đoạn ăn bột
Thời gian thực hiện từ 6 - 8 tháng tuổi. Giai đoạn này lưỡi có bé đã hoạt động linh hoạt, có thể tập ăn các loại bột dinh dưỡng trên thị trường hoặc bột ăn dặm tự làm tại nhà.
Nếu là bột dinh dưỡng, mẹ nên ưu tiên chọn những hãng uy tín, chất lượng như bột ăn dặm Vinamilk, HiPP, Nestlé Cerelac,... Nếu là bột ăn dặm, mẹ cần đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng trong khâu chế biến.
Giai đoạn ăn cháo
Thời gian thực hiện từ 9 - 10 tháng tuổi. Giai đoạn này lưỡi của bé đã trở nên cứng cáp hơn. Đồng thời, dạ dày cũng đã quen với thức ăn dạng đặc nên mẹ có thể chuyển sang cháo.
Khi chế biến, mẹ nên dùng nước hầm từ xương để nấu kết hợp với thịt, cá, rau củ, dầu ăn để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, giúp bé phát triển toàn diện.
Giai đoạn ăn cơm
Thời gian thực hiện từ 11 - 15 tháng. Giai đoạn này răng của bé gần như mọc hoàn thiện, có thể nhai kỹ được. Vì thế, mẹ có thể chuyển sang dạng cơm mềm để bé tập nhai.
Cơm nên được nấu mềm, dằm nát và kết hợp với các loại canh phong phú như: canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp,... Luân phiên thay đổi để bé không bị ngán mẹ nhé!